Danh Sách Công Việc Nhân Sự Cần Thực Hiện Cuối Năm 2024
0 Đánh giá
Vào thời điểm cuối năm và nửa đầu năm sau, bộ phận hành chính nhân sự thường phải tập trung cao độ để hoàn thiện các báo cáo tổng kết thường niên, đánh giá hoạt động trong năm qua đồng thời lên kế hoạch cho năm mới.
Để hỗ trợ nhân sự tránh việc bị áp lực bởi khối lượng báo cáo và kế hoạch trong giai đoạn cao điểm này mà bỏ lỡ những nhiệm vụ trọng tâm, dưới đây Lê Ánh HR sẽ chia sẻ danh sách công việc nhân sự cần thực hiện cuối năm 2024.
- I. Tầm quan trọng của việc xây dựng danh sách công việc nhân sự cần thực hiện cuối năm
- II. Vai trò và thách thức của bộ phận nhân sự trong việc đảm bảo tiến độ danh sách công việc nhân sự cần thực hiện cuối năm
- III. Danh sách công việc nhân sự cần thực hiện cuối năm với Nhà nước
- 1. Thông báo tình hình biến động lao động tháng 11 (nếu có)
- 2. Báo cáo tình hình thay đổi lao động năm
- 3. Báo cáo sử dụng người lao động nước ngoài (trong trường hợp có sử dụng người lao động nước ngoài)
- 4. Báo cáo về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- 5. Báo cáo tình hình cho thuê lại lao động năm 2024
- 6. Nộp tờ khai thuế TNCN tháng 11
- 7. Báo cáo hàng năm công tác kiểm định an toàn lao động
- 8. Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động
- 9. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn tháng 12
- IV. Danh sách công việc nhân sự cần thực hiện cuối năm phục vụ cho nội bộ doanh nghiệp
I. Tầm quan trọng của việc xây dựng danh sách công việc nhân sự cần thực hiện cuối năm
Cuối năm là thời điểm quan trọng trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt đối với bộ phận nhân sự, khi khối lượng công việc thường tăng cao và đòi hỏi sự quản lý hiệu quả.
Lập kế hoạch danh sách công việc nhân sự cần thực hiện vào cuối năm 2024 là một bước quan trọng để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và tránh những rủi ro không đáng có.
Ngoài ra, việc xây dựng danh sách này giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt các nhiệm vụ liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của nhân viên, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về báo cáo, hợp đồng lao động, và các quy định pháp lý khác.
VAI TRÒ CỦA PHÒNG NHÂN SỰ VÀO CUỐI NĂM |
⭕ Đảm bảo hoàn thành mục tiêu cuối năm Lập danh sách công việc giúp nhân sự tập trung vào các nhiệm vụ ưu tiên, từ đó hoàn thành các mục tiêu chiến lược mà doanh nghiệp đặt ra cho năm 2024. Các công việc như đánh giá hiệu suất, tổng kết thành tích, hay điều chỉnh chính sách lương thưởng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh sai sót và tăng cường sự hài lòng của nhân viên cũng như tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhân sự tại doanh nghiệp. ⭕ Tăng cường hiệu quả quản lý thời gian Danh sách công việc cuối năm giúp phân bổ thời gian hợp lý cho từng nhiệm vụ, tránh tình trạng quá tải hoặc bỏ sót các công việc quan trọng. Việc này đặc biệt cần thiết khi nhân sự phải xử lý cùng lúc các công tác hành chính và những kế hoạch dài hạn. ⭕ Hỗ trợ xây dựng chiến lược cho năm mới Kế hoạch cuối năm không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các nhiệm vụ hiện tại mà còn tạo nền tảng để xây dựng chiến lược nhân sự cho năm 2025. Những số liệu và báo cáo từ việc tổng kết là công cụ quan trọng và cần thiết để truyền đạt thông tin, thể hiện rõ ràng, minh bạch quá trình quản lý và điều hành của doanh nghiệp sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng, giúp doanh nghiệp cải thiện hệ thống và phát triển đội ngũ một cách bền vững. ⭕ Giảm thiểu rủi ro và áp lực Bằng cách lập danh sách công việc cụ thể, doanh nghiệp có thể dự đoán các rủi ro tiềm ẩn và đưa ra giải pháp trước khi vấn đề xảy ra. Đồng thời, nhân viên cũng cảm thấy rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình, từ đó giảm áp lực và tăng cường tinh thần làm việc. |
Nhìn chung, việc lập kế hoạch danh sách công việc nhân sự cuối năm 2024 không chỉ là một bước chuẩn bị cần thiết giúp đảm bảo tiến độ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu suất và chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch nhân sự cho năm mới.
>>> Xem thêm: Mẫu Báo Cáo Công Việc Hàng Ngày (Tuần, Tháng) bằng Word, Excel
II. Vai trò và thách thức của bộ phận nhân sự trong việc đảm bảo tiến độ danh sách công việc nhân sự cần thực hiện cuối năm
Bộ phận nhân sự đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo hoạt động của tổ chức diễn ra suôn sẻ, đặc biệt vào thời điểm cuối năm – khi khối lượng công việc tăng cao.
Trong giai đoạn này, việc hoàn thành danh sách công việc được lên kế hoạch là yếu tố quan trọng, không chỉ để khép lại một năm hoạt động hiệu quả mà còn tạo tiền đề vững chắc cho năm mới.
1. Vai trò của bộ phận nhân sự cuối năm
✔ Quản lý tiến độ và hiệu suất công việc: Đảm bảo các hạng mục công việc được thực hiện đầy đủ và đúng hạn, đặc biệt đảm bảo các công việc nộp báo cáo với Nhà nước đúng theo quy định.
✔ Tối ưu hóa nguồn lực: Lập kế hoạch hợp lý để tận dụng nguồn lực hiệu quả, tránh tình trạng quá tải vào dịp cuối năm.
✔ Xây dựng kế hoạch nhân sự năm mới chỉn chu: Việc dự báo nguồn nhân lực và lập kế hoạch tuyển dụng, đào tạo là nhiệm vụ thiết yếu, giúp doanh nghiệp luôn trong trạng thái sẵn sàng.
✔ Đảm bảo quyền lợi và gắn kết nhân viên: Các chính sách về lương thưởng, bảo hiểm, và các quyền lợi khác cần được thực hiện đầy đủ và đúng hạn, tạo động lực và sự gắn bó cho đội ngũ.
2. Thách thức đối với bộ phận nhân sự
⍟ Áp lực thời gian và khối lượng công việc lớn: Khi thời hạn kết thúc năm càng gần, việc đảm bảo tiến độ trong khi xử lý một lượng công việc khổng lồ là một thách thức không nhỏ.
⍟ Đảm bảo sự chính xác và minh bạch: Đánh giá hiệu suất, tính toán lương thưởng yêu cầu sự chính xác tuyệt đối để tránh gây hiểu lầm hoặc bất mãn trong tổ chức.
⍟ Quản lý thay đổi và kỳ vọng: Với các thay đổi chiến lược hoặc mục tiêu của tổ chức, nhân sự cần nhanh chóng thích nghi và cân bằng giữa yêu cầu của doanh nghiệp và kỳ vọng của nhân viên.
3. Giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ cuối năm
✔ Sử dụng công nghệ hỗ trợ: Áp dụng phần mềm quản lý nhân sự giúp theo dõi và tối ưu hóa quy trình công việc.
✔ Lập kế hoạch đồng thời phân công nhiệm vụ rõ ràng: Việc phân bổ thời gian khoa học theo kế hoạch đã đề ra và phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân đảm bảo các công việc được diễn ra một cách mạch lạc và trôi chảy, tối ưu hóa hiệu suất của bộ phận nhân sự.
✔ Tăng cường giao tiếp nội bộ: Duy trì sự rõ ràng trong giao tiếp để tránh nhầm lẫn và xung đột trong các quyết định cuối năm.
✔ Ưu tiên công việc theo mức độ quan trọng: Phân bổ nguồn lực hợp lý để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trước, giảm thiểu tình trạng quá tải.
III. Danh sách công việc nhân sự cần thực hiện cuối năm với Nhà nước
1. Thông báo tình hình biến động lao động tháng 11 (nếu có)
Căn cứ khoản 2 và 3 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, quy định về việc thông báo tình hình biến động lao động như sau:
“2. Trước ngày 03 hằng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư này với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).
3. Trường hợp, người sử dụng lao động giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.”
Bên cạnh đó tại khoản 3 Điều 20 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH cũng nêu rõ:
“3. Những trường hợp tính thời hạn theo dương lịch tại Thông tư này mà ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ.”
Như vậy, thời hạn thông báo tình hình biến động lao động tháng 11 chậm nhất là ngày 02/12/2024.
>>> Tham khảo tải ngay [Mẫu số 29_TT_28_2015_BLĐTBXH] THÔNG BÁO VỀ TÌNH HÌNH BIẾN ĐỘNG LAO ĐỘNG
2. Báo cáo tình hình thay đổi lao động năm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 1 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về việc khai trình sử dụng lao động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động như sau:
“Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6) và hằng năm (trước ngày 05 tháng 12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Trường hợp người sử dụng lao động không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua cổng Dịch vụ công Quốc gia thì gửi báo cáo bằng bản giấy theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Đối với lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để theo dõi.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tình hình thay đổi về lao động trong trường hợp người sử dụng lao động gửi báo cáo bằng bản giấy để cập nhật đầy đủ thông tin theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”
Như vậy, hạn cuối báo cáo tình hình thay đổi lao động năm 2024 là ngày 04/12/2024.
>>> Tham khảo tải ngay:
- [Mẫu số 01-PL I- 145-2020-NĐ-CP] BÁO CÁO TÌNH HÌNH THAY ĐỔI LAO ĐỘNG
- [Mẫu số 02-PL I- 145-2020-NĐ-CP] BÁO CÁO TÌNH HÌNH THAY ĐỔI LAO ĐỘNG
3. Báo cáo sử dụng người lao động nước ngoài (trong trường hợp có sử dụng người lao động nước ngoài)
Căn cứ Điều 6 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 70/2023/NĐ-CP, quy định về việc nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài được thực hiện như sau:
“1. Trước ngày 05 tháng 7 và ngày 05 tháng 01 của năm sau, người sử dụng lao động nước ngoài báo cáo 6 tháng đầu năm và hằng năm về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo Mẫu số 07/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo hằng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
2. Trước ngày 15 tháng 7 và ngày 15 tháng 01 của năm sau hoặc đột xuất theo yêu cầu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn theo Mẫu số 08/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm và hằng năm thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.”
Theo đó, các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài bắt buộc phải thực hiện báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài theo định kỳ. Hạn nộp đối với từng đợt báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài của năm 2024 cụ thể như sau:
- Báo cáo 06 tháng đầu năm: Thời hạn báo cáo từ ngày 15/6 đến ngày 05/7 với số liệu thống kê từ ngày 15/12 năm trước đến ngày 14/06 của năm báo cáo.
- Báo cáo hằng năm: Thời hạn báo cáo từ ngày 15/12 đến ngày 05/01 của năm tiếp theo của kỳ báo cáo với số liệu thống kê từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo.
>>> Tham khảo tải ngay: [Phụ lục I - Mẫu số 07_PLI] BÁO CÁO SỬ DỤNG NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
4. Báo cáo về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Căn cứ Điều 15 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định chế độ báo cáo định kỳ của doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và của doanh nghiệp đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài được quy định như sau:
“1. Định kỳ hằng năm, trước ngày 20 tháng 12 của kỳ báo cáo, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nêu trên lập báo cáo về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Mẫu đề cương báo cáo tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản và được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức: trực tiếp hoặc dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến.
3. Thời gian chốt số liệu báo cáo trong báo cáo định kỳ hằng năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.”
Theo đó, hạn cuối báo cáo về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngày 19/12/2024.
>>> Tham khảo tải ngay: [PHỤ LỤC XIII - 21-2021-TT- BLĐTBXH] BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
5. Báo cáo tình hình cho thuê lại lao động năm 2024
Khoản 2 Điều 31 Nghị định 145/2020/NĐ-CP sửa đổi tại khoản 2 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định:
“Định kỳ 06 tháng và hằng năm, báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 09/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; đồng thời báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế nơi doanh nghiệp đến hoạt động cho thuê lại lao động về tình hình hoạt động cho thuê lại lao động trên địa bàn đó đối với trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại sang địa bàn cấp tỉnh khác hoạt động. Báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 20 tháng 6 và báo cáo năm gửi trước ngày 20 tháng 12.”
Theo quy định trên, hạn nộp báo cáo tình hình cho thuê lại lao động năm 2024 là ngày 19/12.
>>> Tham khảo tải ngay: [Mẫu số 09-PL III- 145-2020-NĐ-CP] BÁO CÁO TÌNH HÌNH CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG
6. Nộp tờ khai thuế TNCN tháng 11
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế năm 2019, quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế cho doanh nghiệp như sau:
“Điều 44. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
1. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý được quy định như sau:
a) Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;
b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.”
Ngoài ra, nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ/ngày nghỉ hằng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ (theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP).
Như vậy, doanh nghiệp khai và nộp theo tháng phải nộp tờ khai thuế TNCN tháng 11 chậm nhất là ngày 20/12/2024. Và nếu doanh nghiệp khai và nộp quý phải nộp tờ khai thuế TNCN tháng 11 chậm nhất là ngày 03/02/2025.
Nếu trong tháng/quý đó KHÔNG phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì KHÔNG phải nộp tờ khai tháng/quý đó.
>>> Tham khảo tải ngay: [Mẫu 05_KK-TNCN] TỜ KHAI KHẤU TRỪ THUẾ TNCN ĐỐI VỚI THU NHẬP TỪ TIỀN LƯƠNG, TIỀN CÔNG
7. Báo cáo hàng năm công tác kiểm định an toàn lao động
Khoản 3 Điều 45 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh trong công tác công tác kiểm định an toàn lao động như sau:
“3. Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, gửi báo cáo về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động về cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh có trụ sở chính và nơi có người lao động đang làm việc như sau:
a) Báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở;
b) Báo cáo Sở Y tế về việc thực hiện công tác quan trắc môi trường lao động tại cơ sở.”
Như vậy, hạn cuối gửi báo cáo về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động là ngày 30/12/2024.
>>> Tham khảo tải ngay: [Mau-bao-cao-phu-luc-II] MẪU BÁO CÁO CÔNG TÁC AN TOÀN - VỆ SINH LAO ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
8. Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động
Theo Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định thời điểm, mẫu báo cáo tai nạn lao động như sau:
“Điều 24. Thời Điểm, mẫu báo cáo tai nạn lao động
Việc báo cáo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động được thực hiện như sau:
1. Người sử dụng lao động gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động; báo cáo gửi trước ngày 05 tháng 7 hằng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định này. Báo cáo gửi bằng một trong các hình thức sau đây: trực tiếp, fax, đường bưu điện, thư điện tử.”
Như vậy, hạn cuối gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp là ngày 09/01/2025.
>>> Tham khảo tải ngay: [PHỤ LỤC XII] MẪU BÁO CÁO TỔNG HỢP TÌNH HÌNH TAI NẠN LAO ĐỘNG
9. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn tháng 12
Theo khoản 1 Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH, quy định về việc trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn như sau:
“Điều 7. Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Đóng hằng thángHằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.”
Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ/ngày nghỉ hằng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ.
Như vậy, doanh nghiệp phải trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn tháng 12 chậm nhất là ngày 31/12/2024.
KẾT LUẬN Do đó, để hoàn thành các công việc nhân sự cuối năm 2024 hiệu quả, doanh nghiệp cần tuân thủ đúng các mốc thời gian theo quy định của Nhà nước, đồng thời chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và chứng từ một cách khoa học và kỹ lưỡng. Việc tuân thủ đúng quy trình không chỉ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý mà còn góp phần nâng cao hình ảnh uy tín của doanh nghiệp trong mắt cơ quan quản lý. |
IV. Danh sách công việc nhân sự cần thực hiện cuối năm phục vụ cho nội bộ doanh nghiệp
Bên cạnh việc hoàn tất các báo cáo và công việc với cơ quan nhà nước kể trên, bộ phận nhân sự còn phải đảm bảo mọi hoạt động nội bộ của doanh nghiệp diễn ra suôn sẻ, chuẩn bị sẵn sàng cho năm mới. Đây không chỉ là giai đoạn tổng kết mà còn là cơ hội để củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ nhân viên.
Bộ phận nhân sự cần thực hiện một loạt các công việc trọng yếu dưới đây, các bạn có thể tham khảo để áp dụng cho kế hoạch nhân sự tại doanh nghiệp đang công tác:
➱ (1) Đánh giá hiệu suất và tổng kết năm: Tổ chức đánh giá hiệu suất nhân viên (KPIs, OKRs); thu thập phản hồi từ các phòng ban và cá nhân; chuẩn bị báo cáo tổng kết về hiệu suất và thành tích nhân viên.
➱ (2) Lên kế hoạch khen thưởng và phúc lợi cuối năm: Chuẩn bị kế hoạch thưởng năm 2024, tổ chức tiệc cuối năm, quà Tết, kế hoạch Chào Xuân 2025, chuẩn bị ngân sách và danh sách chi trả….
➱ (3) Thực hiện báo cáo thống kê, báo cáo phân tích và báo cáo quản trị về Quản trị nhân sự năm 2024.
➱ (4) Lập kế hoạch chi phí nhân sự năm 2025: Xây dựng Quỹ lương kế hoạch năm 2020; tư vấn trích quỹ dự phòng; quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ đào tạo phát triển và các quỹ liên quan đến Quản trị Nhân sự.
➱ (5) Lập kế hoạch tuyển dụng và đào tạo năm 2025: Xác định nhu cầu tuyển dụng cho năm mới; tổng kết các chương trình đào tạo đã thực hiện trong năm; lên lịch trình và nội dung đào tạo mới.
➱ (6) Cập nhật hồ sơ nhân sự và tài liệu nội bộ: Kiểm tra và hoàn thiện hồ sơ cá nhân của nhân viên; cập nhật các chính sách nội bộ, hợp đồng lao động; đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý hiện hành.
➱ (7) Tổng kết tài chính và hoàn tất thủ tục thuế: Đối soát lương thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chuẩn bị hồ sơ và báo cáo tài chính liên quan đến nhân sự; đảm bảo nộp thuế thu nhập cá nhân đúng thời hạn.
➱ (8) Xây dựng mục tiêu Phòng nhân sự năm 2025 (KPI đơn vị), xây dựng Chiến lược Nhân sự toàn diện năm 2025 theo Chiến lược Kinh doanh.
➱ (9) Một số công việc khác tùy thuộc vào loại hình và đặc thù doanh nghiệp.
KẾT LUẬN Danh sách công việc nhân sự cần thực hiện cuối năm được xây dựng nhằm giúp doanh nghiệp tham khảo và đảm bảo mọi công việc được thực hiện hiệu quả, bám sát mục tiêu doanh nghiệp. Đây là thời điểm quan trọng để hoàn thiện các nhiệm vụ còn lại trong năm 2024 và xây dựng nền tảng cho sự phát triển trong năm tới. Việc lên kế hoạch và triển khai hợp lý không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi nhân viên mà còn tăng cường động lực, tinh thần gắn kết và sự đồng lòng trong tổ chức, hướng tới những thành công lớn hơn trong tương lai. |
>>> Xem thêm:
- Lộ Trình Học Hành Chính Nhân Sự Cho Người Mới Bắt Đầu
- Khóa Học C&B Miễn Phí Online và Offline - Cách Tự Học Hiệu Quả
--------------------------
Nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực nhân sự, hãy tham gia các khóa học tại Lê Ánh HR. Các khóa học này không chỉ giúp bạn nâng cao kỹ năng mà còn liên tục cập nhật những kiến thức mới nhất. Để biết thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0904.84.8855 để được tư vấn trực tiếp về các khoá học này.
Ngoài các khóa học hành chính nhân sự chất lượng thì trung tâm Lê Ánh còn cung cấp các khóa học kế toán tổng hợp online - offline, khóa học xuất nhập khẩu online/offline chất lượng tốt nhất hiện nay.
Thực hiện bởi: LÊ ÁNH HR - TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ HÀNH CHÍNH NHÂN SỰ SỐ 1 VIỆT NAM
-
5
-
4
-
3
-
2
-
1