Các Ngày Nghỉ Được Hưởng Nguyên Lương Năm 2025
0 Đánh giá
Ngày nghỉ được hưởng nguyên lương không chỉ là quyền lợi cơ bản mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho người lao động, đồng thời thể hiện sự tôn trọng từ doanh nghiệp đối với đội ngũ nhân viên. Hiểu rõ quyền lợi nghỉ lễ giúp người lao động dễ dàng sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và lên kế hoạch cá nhân hợp lý.
Năm 2025, người lao động tại Việt Nam sẽ được nghỉ những ngày nào với chế độ hưởng nguyên lương? Cùng Lê Ánh HR khám phá chi tiết các ngày nghỉ lễ theo quy định trong bài viết này!
- 1. Cơ sở pháp lý quy định về ngày nghỉ được hưởng nguyên lương
- 2. Danh sách các ngày nghỉ được hưởng nguyên lương trong năm 2025
- 2.1. Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025
- 2.2. Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 (Tết Nguyên đán)
- 2.3. Lịch nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2025
- 2.4. Lịch nghỉ lễ 30/04 và 01/05 năm 2025
- 2.5. Lịch nghỉ lễ Quốc khánh 2025
- 3. Các trường hợp người lao động nghỉ làm được hưởng lương khác
- 3.1. Nghỉ việc riêng
- 3.2. Nghỉ điều trị, phục hồi chức năng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- 3.3. Nghỉ do bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó không bị xử lý kỉ luật
- 3.4. Nghỉ do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
- 3.5. Nghỉ hưởng lương dành riêng cho lao động nữ
- 3.6. Các trường hợp khác theo Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
1. Cơ sở pháp lý quy định về ngày nghỉ được hưởng nguyên lương
Ngày nghỉ được hưởng nguyên lương là các ngày nghỉ mà người lao động không phải làm việc nhưng vẫn nhận đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Đây là quyền lợi cơ bản được quy định trong pháp luật lao động nhằm đảm bảo quyền nghỉ ngơi và cân bằng cuộc sống cho người lao động.
Tổng số ngày nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương năm 2025 mà người lao động (NLĐ) có thể được nghỉ bao gồm ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ phép hàng năm.
>>> Xem thêm:
- Tăng Lương Tối Thiểu Vùng 2025: Doanh Nghiệp Cần Lưu Ý Gì?
- Mẫu Đơn Đề Nghị Tăng Lương Chuyên Nghiệp, Thuyết Phục Nhất
1.1. Tổng số ngày nghỉ lễ, Tết năm 2025 của người lao động
Căn cứ theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 thì các ngày lễ, Tết mà NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương bao gồm:
- Tết Dương lịch: 1 ngày (ngày 01/01 dương lịch);
- Tết Âm lịch: 5 ngày;
- Ngày Giỗ tổ Hùng Vương: 1 ngày (ngày 10/03 âm lịch);
- Ngày Chiến thắng (ngày Thống nhất): 1 ngày (ngày 30/04 dương lịch);
- Ngày Quốc tế Lao động: 1 ngày (ngày 01/05 dương lịch);
- Ngày Quốc khánh: 2 ngày (ngày 02/09 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau đó).
Như vậy: Tổng số ngày nghỉ lễ, Tết hưởng nguyên lương của NLĐ trong năm 2025 là 11 ngày (1).
Lưu ý: Số ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định kể trên là số ngày nghỉ tối thiểu mà NLĐ được hưởng. Trên thực tế, tùy theo quyết định của mỗi công ty mà người lao động có số ngày nghỉ hưởng nguyên lương khác nhau, tuy nhiên không được ít hơn số ngày nghỉ tối thiểu mà luật định.
1.2. Tổng số ngày nghỉ phép trong năm của người lao động
Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 và Khoản 2 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, số ngày nghỉ hằng năm của NLĐ được tính như sau:
➨ Đối với người lao động (NLĐ) làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động (NSDLĐ)
Số ngày nghỉ làm việc hằng năm, hưởng nguyên lương được căn cứ dựa theo HĐLĐ, cụ thể:
- Người làm công việc trong điều kiện bình thường: 12 ngày làm việc;
- NLĐ chưa thành niên, người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại: 14 ngày làm việc;
- Người làm công việc, nghề đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại: 16 ngày làm việc.
- Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của NLĐ được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
➨ Đối với NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng cho một NSDLĐ
Số ngày nghỉ làm việc hằng năm, hưởng nguyên lương được tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng mà người đó làm việc.
Như vậy: Ở điều kiện làm việc bình thường và làm đủ 12 tháng tại công ty, NLĐ sẽ có 12 ngày nghỉ phép hưởng nguyên lương (2).
>>> Xem thêm:
- Nghỉ Phép Năm Là Gì? Quy Định Nghỉ Phép Năm Mới Nhất
- Tổng Hợp Mẫu Đơn Xin Nghỉ Phép Với Lý Do Thuyết Phục Nhất
Từ (1) và (2) có thể kết luận rằng, trong điều kiện làm việc bình thường và NLĐ làm việc đủ 12 tháng tại công ty, tổng số ngày nghỉ làm việc mà NLĐ được hưởng nguyên lương trong năm 2025 sẽ là 23 ngày. |
⦿ Cách xác định các ngày nghỉ lễ quốc gia
Các ngày lễ quốc gia được xác định theo lịch chính thức do Nhà nước công bố hàng năm. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo lịch nghỉ lễ và đảm bảo quyền lợi cho người lao động được nghỉ đúng ngày.
Đặc biệt, nếu ngày nghỉ lễ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần (thường là thứ Bảy hoặc Chủ Nhật), người lao động được nghỉ bù vào ngày làm việc tiếp theo, đảm bảo đủ số ngày nghỉ lễ theo quy định.
⦿ Ý nghĩa và mục đích của chế độ ngày nghỉ được hưởng nguyên lương
Chế độ nghỉ hưởng lương không chỉ đảm bảo quyền nghỉ ngơi mà còn giúp người lao động phục hồi sức khỏe và tái tạo năng lượng, từ đó nâng cao năng suất lao động.
Đồng thời, quy định này cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ lao động hài hòa, cân bằng giữa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.
Tóm lại, các quy định về ngày nghỉ được hưởng nguyên lương trong Bộ luật Lao động 2019 thể hiện sự bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quản lý lao động. Người lao động cần hiểu rõ các quyền lợi này để thực hiện và bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả.
2. Danh sách các ngày nghỉ được hưởng nguyên lương trong năm 2025
2.1. Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025
Theo quy định tại Điều 112, Khoản 1, Điểm a của Bộ luật Lao động 2019, người lao động (NLĐ) sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương trong dịp Tết Dương lịch 2025. Quy định này áp dụng cho tất cả các nhóm lao động, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức (theo Điều 13 của Luật Cán bộ, công chức 2008 và Luật Viên chức 2010).
Cụ thể, Tết Dương lịch 2025 rơi vào ngày 01/01/2025 (Thứ Tư), do đó, người lao động thuộc cơ quan nhà nước sẽ nghỉ 1 ngày. Nếu ngày nghỉ trùng với ngày nghỉ hằng tuần, NLĐ sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc tiếp theo, căn cứ tại Khoản 3 Điều 111 của Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy: Cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ thuộc các cơ quan nhà nước được nghỉ Tết Dương lịch 2025 là 01 ngày là 01/01/2025 dương lịch.
2.2. Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 (Tết Nguyên đán)
Điều 112, Khoản 1, Điểm b của Bộ luật Lao động 2019 quy định NLĐ được nghỉ 5 ngày hưởng nguyên lương trong dịp Tết Âm lịch. Đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan hành chính, tổ chức chính trị hoặc tổ chức chính trị - xã hội, lịch nghỉ năm nay kéo dài 9 ngày liên tiếp từ ngày 25/01/2025 (Thứ Bảy) đến hết ngày 02/02/2025 (Chủ Nhật), tương ứng từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ.
Đối với khối doanh nghiệp, thời gian nghỉ tối thiểu là 5 ngày, nhưng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích áp dụng lịch nghỉ giống như khu vực nhà nước. Nếu chỉ nghỉ 5 ngày, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong các phương án sau:
- Phương án 1: Nghỉ từ 28/01/2025 đến 01/02/2025 (1 ngày cuối năm Giáp Thìn và 4 ngày đầu năm Ất Tỵ).
- Phương án 2: Nghỉ từ 27/01/2025 đến 31/01/2025 (2 ngày cuối năm Giáp Thìn và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ).
- Phương án 3: Nghỉ từ 26/01/2025 đến 30/01/2025 (3 ngày cuối năm Giáp Thìn và 2 ngày đầu năm Ất Tỵ).
Như vậy: Cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ thuộc các cơ quan nhà nước sẽ được nghỉ Tết Âm lịch 09 ngày liên tục, từ ngày 25/01/2025 đến hết ngày 02/02/2025 dương lịch (nhằm ngày 26/12 đến hết ngày 05/01 âm lịch).
2.3. Lịch nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2025
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được quy định tại Điều 112, Khoản 1, Điểm e của Bộ luật Lao động 2019, với thời gian nghỉ là 1 ngày hưởng nguyên lương vào ngày 10/03 âm lịch. Năm 2025, ngày này rơi vào Thứ Hai (07/04/2025).
Với lịch làm việc không bao gồm thứ Bảy và Chủ Nhật, cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ tại cơ quan nhà nước sẽ được nghỉ từ 05/04/2025 (Thứ Bảy) đến hết 07/04/2025 (Thứ Hai), tổng cộng 3 ngày liên tiếp.
Như vậy: Cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ thuộc các cơ quan nhà nước được nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2025 tổng cộng là 03 ngày liên tục từ ngày 05/04/2025 đến hết ngày 07/04/2025 dương lịch.
2.4. Lịch nghỉ lễ 30/04 và 01/05 năm 2025
Theo Điểm c và Điểm d, Khoản 1, Điều 112 của Bộ luật Lao động 2019, NLĐ được nghỉ 2 ngày hưởng lương vào dịp lễ 30/04 và 01/05 hằng năm.
Để tạo điều kiện thuận lợi, Chính phủ đã chấp thuận phương án hoán đổi ngày làm việc (theo Công văn 8726/VPCP-KGVX năm 2024).
Cụ thể, người lao động sẽ làm việc vào Thứ Bảy (26/04/2025) để được nghỉ liên tục từ 30/04/2025 (Thứ Tư) đến hết 04/05/2025 (Chủ Nhật), tổng cộng 5 ngày.
Như vậy: Cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ thuộc các cơ quan nhà nước được nghỉ lễ 30/04 và 01/05 năm 2025 tổng cộng 05 ngày liên tục, từ ngày 30/04/2025 đến hết ngày 04/05/2025 dương lịch.
2.5. Lịch nghỉ lễ Quốc khánh 2025
Quốc khánh là ngày lễ lớn, được quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 112 của Bộ luật Lao động 2019, với thời gian nghỉ 2 ngày hưởng lương: ngày 02/09 và 1 ngày liền kề trước hoặc sau.
Theo Công văn 8726/VPCP-KGVX năm 2024, lịch nghỉ chính thức dịp Quốc khánh 2025 sẽ từ 30/08/2025 (Thứ Bảy) đến hết 02/09/2025 (Thứ Ba), tổng cộng 4 ngày liên tục.
Lưu ý, nếu ngày lễ trùng với ngày nghỉ hằng tuần, NLĐ sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp, đảm bảo quyền lợi như quy định tại Khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy: Cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ thuộc các cơ quan nhà nước được nghỉ lễ Quốc khánh 2025 tổng cộng 04 ngày liên tục từ ngày 30/08/2025 đến hết ngày Thứ 3, 02/09/2025 dương lịch.
Tổng hợp các ngày nghỉ lễ, Tết 2025 Nhìn chung, cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ làm việc tại cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội sẽ có tổng cộng 22 ngày nghỉ lễ, Tết trong năm 2025. Điều này bao gồm: * 11 ngày nghỉ chính thức theo quy định của Bộ luật Lao động. * 11 ngày nghỉ bù hoặc nghỉ liên tiếp do hoán đổi ngày làm việc và các ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày lễ. Đối với NLĐ thuộc các doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước, lịch nghỉ có thể thay đổi tùy theo quy định và thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng không được ít hơn các mốc tối thiểu theo luật định. |
3. Các trường hợp người lao động nghỉ làm được hưởng lương khác
Bên cạnh số ngày nghỉ lễ, tết và phép năm kể trên thì nếu người lao thuộc những trường hợp sau thì nghỉ làm được hưởng lương.
3.1. Nghỉ việc riêng
Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật lao động 2019, cụ thể:
- Kết hôn: nghỉ 03 ngày.
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày.
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
3.2. Nghỉ điều trị, phục hồi chức năng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo quy định tại Điều 38 Luật vệ sinh, an toàn lao động 2015:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
3.3. Nghỉ do bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó không bị xử lý kỉ luật
Theo quy định tại Điều 128 Bộ luật lao động năm 2019, cụ thể:
– Khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh, doanh nghiệp có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động.
– Thời gian tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày.
– Trường hợp người lao động không bị xử lý kỉ luật lao động thì sẽ được doanh nghiệp trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
3.4. Nghỉ do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Theo quy định tại Điều 41 Bộ luật lao động 2019, cụ thể:
Doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời phải trả lương cho những ngày người lao động không được làm việc.
3.5. Nghỉ hưởng lương dành riêng cho lao động nữ
Thời gian nghỉ của đối tượng này được liệt kê tại khoản 4 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
- Lao động nữ khi mang thai được giảm 01 giờ làm việc hằng ngày cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nếu công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.
- Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút.
- Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 03 ngày/tháng.
Nghỉ trong các khoảng thời gian này, người lao động vẫn được nhận đủ lương của ngày làm việc đó theo hợp đồng lao động.
Đặc biệt, theo khoản 3 và khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ trong thời gian hành kinh hoặc nuôi con dưới 12 tháng mà không cần nghỉ thì được trả thêm tiền lương theo công việc đã làm.
3.6. Các trường hợp khác theo Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
Theo quy định tại Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, một số trường hợp khác người lao động nghỉ làm nhưng vẫn được tính thời gian hưởng lương:
- Nghỉ giữa giờ: làm việc theo ca liên tục 06 giờ trở lên và thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút được nghỉ 30 phút (ca ngày) và 45 phút (nếu có ít nhất 03 giờ làm đêm hoặc làm việc vào ban đêm).
- Nghỉ giải lao theo tính chất công việc.
- Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
- Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
- Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.
- Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 của Bộ luật Lao động.
- Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 của Bộ luật Lao động.
- Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
- Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Ngày nghỉ được hưởng nguyên lương là một trong những quyền lợi quan trọng của người lao động, đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Năm 2025, việc nắm rõ các quy định về ngày nghỉ này không chỉ giúp bạn tận dụng tối đa quyền lợi được pháp luật bảo vệ mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng, đảm bảo quyền lợi chính đáng để bảo vệ sức khỏe và tinh thần của chính mình. Việc hiểu rõ luật pháp sẽ giúp bạn an tâm làm việc, đồng thời xây dựng môi trường lao động lành mạnh và công bằng hơn.
>>> Xem thêm:
--------------------------
Nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực nhân sự, hãy tham gia các khóa học tại Lê Ánh HR. Các khóa học này không chỉ giúp bạn nâng cao kỹ năng mà còn liên tục cập nhật những kiến thức mới nhất. Để biết thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0904.84.8855 để được tư vấn trực tiếp về các khoá học này.
Ngoài các khóa học hành chính nhân sự chất lượng thì trung tâm Lê Ánh còn cung cấp các khóa học kế toán tổng hợp online - offline, khóa học xuất nhập khẩu online/offline chất lượng tốt nhất hiện nay.
Thực hiện bởi: LÊ ÁNH HR - TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ HÀNH CHÍNH NHÂN SỰ SỐ 1 VIỆT NAM
-
5
-
4
-
3
-
2
-
1